Viettonkin Finance sẽ tổ chức buổi Private Workshop Hoạch định Tài chính Cá nhân Nâng cao vào Thứ Bảy, 15/06/2019 tại Hà Nội, với nội dung được cá nhân hoá cho từng người tham dự. Nếu bạn quan tâm đến chủ đề tài chính cá nhân, hãy đăng kí ngay tại đây!
Phương pháp quản lý tài chính cá nhân JARS hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc là phương pháp 6 cái lọ, được sáng tạo bởi T.Harv Eker – bậc thầy về diễn thuyết trong lĩnh vực tài chính, kinh tế và con người. Đồng thời, ông chính là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind)
Theo Harv Eker, phương pháp JARS có tác dụng nhằm cải thiện khả năng quản lý tiền bạc, chi tiêu của con người, hỗ trợ trong việc tiết kiệm lâu dài. Các khoản tiền được thể hiện thông qua 6 cái lọ, được dùng cho 6 mục đích cụ thể khác nhau. Nhờ việc phân bổ hợp lý, phương pháp này giúp người thực hiện tận dụng tối đa giá trị của đồng tiền, hạn chế khả năng lãng phí tiền bạc cho những hoạt động không cần thiết hay lập kế hoạch cho những khoản tiền nhàn rỗi.
Để bắt đầu thực hiện phương pháp này, hãy chia thu nhập mỗi tháng của bạn thành 6 cái lọ. Thu nhập ở đây không chỉ là tiền lương, mà bao gồm tất cả những khoản tiền mà bạn có được từ bất cứ nguồn nào. 6 cái lọ tượng trưng cho 6 tài khoản cá nhân được phân chia với tỷ trọng nhất định.
1.Quỹ chi tiêu thiết yếu – NEC: 55%
Đây là khoản tiêu dùng cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của bạn và cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các quỹ. Có thể bạn sẽ thắc mắc là nhu cầu mỗi người khác nhau, có người sẽ cảm thấy đủ với 55% và sẽ có người không. Tuy nhiên thống kê cho thấy mỗi người chỉ nên sử dụng 55 – 60% thu nhập của bạn để chi cho khoản này, nếu bạn cảm thấy cần nhiều hơn nữa, chứng tỏ việc chi tiêu của bạn chưa hợp lý.
Chúng ta cũng nên lưu ý rằng, khi áp dụng tại Việt Nam, con số này có thể không chính xác. Vì nó bao gồm cả những khoản chi cho bảo hiểm, trong khi phòng trừ rủi ro bằng cách mua bảo hiểm chưa quá phổ biến tại Việt Nam.
Tác dụng của tài khoản này là giúp cho bạn biết được giới hạn chi tiêu của mình là bao nhiêu, từ đó bạn sẽ thay đổi lối sống cho phù hợp với điều kiện của bản thân. Bạn sẽ thường có xu hướng chi tiêu vô tội vạ và lấn vào các tài khoản khác nếu không bao giờ lên kế hoạch rõ ràng.
2.Quỹ tiết kiệm dài hạn – LTSS: 10%
Đây là chiếc lọ được sử dụng để đựng những khoản tiết kiệm hàng tháng của bạn. Mỗi tháng bạn nên bỏ ra 10% khoản thu nhập của mình cho việc tiết kiệm. Điều cần lưu ý là bạn không được sử dụng khoản này trong một thời gian dài để đàm vào tính nhàn rỗi của nguồn tiền, tránh vi phạm nguyên tắc đã đặt ra. Quỹ tiết kiệm này sẽ được dùng cho những kế hoạch lâu dài trong tương lai như mua nhà, sắm xe,…
Tác dụng của quỹ này nhằm để bạn thấy rõ được mục đích mà mình hướng tới là gì và ước chừng được thời gian cần bỏ ra để đạt được nó.
3.Quỹ chi tiêu cho giáo dục – EDU: 10%
Quỹ này được dành ra để phục vụ mục đích giáo dục cho chính bạn. Việc đầu tư vào trí tuệ là một việc làm rất cần thiết và hoàn toàn đúng đắn. 10% là mức hợp lý để bạn chi tiêu cho việc học nhằm nâng cao giá trị bản thân vì đây sẽ là khoản đầu tư sinh lời nhất cho chính bạn sau này.
4.Quỹ hưởng thụ – PLAY: 10%
Quỹ hưởng thụ được dùng cho mục đích thỏa mãn những nhu cầu của bản thân. Bạn chi tiền trong khoản này để mua những thứ và làm những điều mình thích ngay cả lúc nó không thực sự cần thiết.
Bạn có thể dành khoản này lại đến một thời điểm nhất định để tiêu xài cho những thứ đắt hơn và đây là việc phải làm. Đây là cách mà bạn tự thưởng cho những nỗ lực làm việc của bản thân và giúp tạo ra động lực để bạn cố gắng hơn nữa.
5.Quỹ tự do tài chính – FFA: 10%
Tự do tài chính là khái niệm còn khá mới đối với nhiều người. Nói đến đầu tư, không hoàn toàn có nghĩa ta phải dành một số tiền cho các khoản đầu tư như mua cổ phiếu, bất động sản, kinh doanh… mà là tận dụng số tiền này để sinh lời theo cách thuận tiện nhất.
Nếu số tiền để dành đầu tư của bạn còn quá ít, ta có thể chọn lựa hình thức gửi tiết kiệm có kì hạn để lấy lãi suất. Hoặc nếu có điều kiện và kiến thức kinh doanh hơn, ta có thể chọn lựa các hình thức đầu tư có quy mô khác để sinh lời. Chính vì vậy, cái lọ này mới có tên gọi là Financial Freedom, tạo cơ hội cho bạn làm giàu theo mong muốn của bản thân.
Chỉ cần dành 10% số tiền có được để đầu tư, có thể chọn lựa hình thức góp 1 lần số tiền lớn hoặc góp dần theo tháng. Mục đích của quỹ này là để giúp bạn đạt được trạng thái ra quyết định mà không bị chi phối bởi đồng tiền. Tuy nhiên việc này cần sự kiên trì đến cùng và mất rất nhiều thời gian, có thể là cả đời.
6.Quỹ cho đi – GIVE: 5%
Cuộc sống không chỉ là nhận mà con người còn cần phải biết cho đi, do đó chiếc hũ thứ 6 sẽ giúp bạn có thể dành được 5% tiền bạc cho những hoạt động từ thiện, quan tâm đến những người xung quanh. Ta có thể để khoản tiền này để dành ra cho người thân trong gia đình, làm từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, những người kém may mắn hơn mình. Việc cho đi sẽ luôn là cơ hội để chúng ta nhận lại những điều quý báu và cơ hội được người khác giúp đỡ khi cần.
Ở trên là nội dung về lý thuyết JARS, tuy nhiên để áp dụng nó vào đời sống, bạn còn cần phải xem xét các yếu tố vĩ mô tác động đến nền kinh tế. Do không phải ai cũng am hiểu về kinh tế và tài chính, do vậy bạn nên tìm đến các nhà tư vấn chuyên sâu nếu muốn hoạch định tài chính cho bản thân một cách tốt nhất.