Cụm từ “Trái phiếu Chính phủ” (TPCP) xuất hiện khá nhiều trên báo đài, đặc biệt là các bản tin tài chính, vậy liệu bạn có thực sự hiểu hết về nó? Bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc các kiến thức cơ bản về Trái phiếu Chính phủ bao gồm định nghĩa cũng như những đặc điểm cần chú ý của TPCP nếu muốn đầu tư vào nó.
Đầu tiên, Trái phiếu là chứng nhận xác định nghĩa vụ nợ của người phát hành, trong đó người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu một khoản tiền cụ thể trong một thời gian xác định với một lợi tức quy định. Từ đó, trái phiếu Chính phủ được hiểu là trái phiếu phát hành bởi Chính phủ một quốc gia, thường được phát hành bởi Bộ Tài chính.
Cụ thể hơn, người sở hữu trái phiếu Chính phủ là người cho Chính phủ vay tiền và cam kết trả nợ của Chính phủ sẽ được xác nhận thông qua trái phiếu thay vì giấy vay nợ như thông thường. Trên trái phiếu sẽ quy định những thông tin cơ bản bao gồm mệnh giá (số tiền Chính phủ vay), ngày đáo hạn (ngày Chính phủ trả gốc) và lãi suất danh nghĩa (tỷ lệ phần trăm lợi tức người sở hữu được hưởng). Chính phủ sẽ trả cho người sở hữu một khoản tiền lãi định kỳ (thường là nửa năm, một năm hoặc một lần khi đáo hạn) và trả khoản gốc đúng bằng mệnh giá ghi nhận trên trái phiếu vào ngày đáo hạn.
Về đặc điểm, Trái phiếu Chính phủ được xem là không có rủi ro do nó được phát hành bởi Chính phủ và Chính phủ, theo lý thuyết, sẽ không bao giờ phá sản. Do vậy, quyền lợi của người sở hữu gần như được bảo đảm tuyệt đối: họ sẽ nhận được một khoản lợi tức hay còn gọi là trái tức ổn định (khoản này sẽ không bị đánh thuế thu nhập cá nhân) và nhận lại gốc khi đáo hạn. Bên cạnh đó, tính thanh khoản (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt) của trái phiếu chính phủ khá cao, người sở hữu có thể mua bán lại hoặc cầm cố nó tại các tổ chức tín dụng khi có nhu cầu dùng tiền mặt.
Tuy sở hữu những đặc điểm nói trên nhưng Trái phiếu Chính phủ lại không được coi là danh mục đầu tư lý tưởng do khả năng sinh lời của nó thấp (lãi suất danh nghĩa cố định dao động từ 4% đến 6%) và thời gian hoàn vốn là khá dài (thường là 5 năm, 7 năm hoặc thậm chí là 30 năm).
Kết luận, Trái phiếu Chính phủ là một kênh đầu tư phù hợp dành cho các cá nhân ngại rủi ro, mong muốn nhận được một khoản đầu tư ổn định và có thể mua đi bán lại dễ dàng trên thị trường. Đối với các nhà đầu tư doanh nghiệp thì trái phiếu được coi là một công cụ tài chính giúp đa dạng hoá các danh mục đầu tư và giảm thiểu rủi ro trong thời kì kinh tế – chính trị không ổn định.