Khái niệm: Tài chính cá nhân được hiểu là quá trình lập kế hoạch và quản lý các hoạt động tài chính cá nhân như tạo thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, dự phòng... Nói cách khác, Quản lý tài chính cá nhân là cách các cá nhân lên kế hoạch quản lý và sử dụng nguồn thu chi của bản thân-gia đình nhằm đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn trong tương lai như xây nhà, mua xe,…
Quy tắc quản lý được biết đến nhiều nhất hiện nay là quy tắc 50/20/30. Trong đó:
- 50% chi cho các nhu cầu thiết yếu như ăn ở, đi lại,…. Những nhu cầu này thường ứng với phần đáy trong tháp nhu cầu Maslow.
- 20% chi cho mục tiêu tài chính như trả nợ, tiết kiệm và dự phòng.
- 30 % chi cho các nhu cầu cá nhân khác như du lịch, giải trí và mua sắm,…,
chủ yếu là chi để hưởng thụ.

Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên, mục tiêu cuối cùng của quản lý Tài chính cá nhân là nhằm đạt được mục tiêu tài chính dài hạn, vậy câu hỏi đặt ra là các cá nhân có thể đạt được điều gì từ việc áp dụng quy tắc 50/20/30 này và liệu có phải quy tắc này đều áp dụng đúng cho tất cả mọi người?
Ví dụ, A có thu nhập là 10 triệu đồng một tháng và A đang có kế hoạch mua một chiếc xe máy trị giá 40 triệu đồng. Nếu áp dụng đúng quy tắc trên, A sẽ dành dụm được 2 triệu đồng mỗi tháng và sẽ phải mất đến 20 tháng (nếu không đi vay hay xin tài trợ) để A có thể mua được chiếc xe này. Nhìn qua có vẻ khả thi và dễ dàng thực hiện, nhưng nếu mục tiêu của A đổi thành một ngôi nhà 5 tầng trị giá 3 tỷ đồng thì sao?
Ngoài ra, do mỗi cá nhân là một cá thể độc lập nên mức thu nhập cũng như thói quen chi tiêu là không giống nhau. Cụ thể, thu nhập của người 70 tuổi thường đến từ lương hưu và phần lớn được dùng để chi cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ. Trong khi đó thu nhập của những người ở tuổi 20 sẽ đến từ trợ cấp bố mẹ và các công việc làm thêm, chi chủ yếu cho việc học và các nhu cầu giải trí của bản thân. Vậy nên nếu bắt người 70 tuổi phải chi tiêu cùng một mức giống như người 20 tuổi là hoàn toàn không hợp lý.
Tổng kết lại, quản lý tài chính cá nhân là vô cùng quan trọng và cần thiết, nó sẽ quyết định tài sản của bạn trong tương lai. Vậy nên hãy là một nhà thông thái trong việc quản lý tiền của chính bản thân mình.
Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý để Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả:
- Hãy đặt ra một mục tiêu tài chính dài hạn cho bản thân và kiểm tra tiến độ thực hiện nó hàng năm.
- Thu nhập và chi tiêu thường đặt trong mối quan hệ tương quan cùng tăng hoặc cùng giảm. Nghĩa là khi thu nhập tăng, các cá nhân sẽ có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn và ngược lại. Tuy nhiên cần chú ý cân đối hai khoản này sao cho hợp lý và cố gắng tránh chi tiêu cho các khoản không cần thiết.
- Nên trau dồi thêm kiến thức tài chính cho bản thân.
- Tránh tâm lý nóng vội, để đạt được mục tiêu mà bất chấp “được ăn cả ngã về không”.